BIỂU MẪU TÀI LIỆU

05 điều cần biết về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

05 ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP

05 ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP.png

1. Khái niệm

Căn cứ theo quy định tại Khoản 15 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 thì:

Điều 4. Giải thích từ ngữ

15. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp.[…]”

GCN ĐKDN được xác định là một trong những giấy tờ pháp lý quan trọng nhất của một doanh nghiệp, đây là tài liệu thiết yếu trong các bộ hồ sơ gửi đến cơ quan nhà nước. Thời điểm cấp GCN ĐKDN xác nhận tư cách pháp lý của doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể thực hiện các hoạt động kinh doanh hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam (trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện).

2. Khi nào doanh nghiệp được cấp GCN ĐKDN?

**Trường hợp cấp mới lần đầu

Doanh nghiệp được cấp GCN ĐKDN khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020.

- Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các điều 37, 38, 39 và 41 của Luật Doanh nghiệp 2020;

- Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ.

- Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

**Trường hợp cấp lại

Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu và đã gửi văn bản đề nghị đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính thì được cấp lại GCN ĐKDN khi:

- GCN ĐKDN bị mất, cháy, rách, nát hoặc bị tiêu hủy dưới hình thức khác;

- Doanh nghiệp phát hiện nội dung trên GCN ĐKDN chưa chính xác so với nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị hiệu đính thông tin;

- Thay đổi nội dung GCN ĐKDN;

- Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

Doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị cấp lại đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Phòng Đăng ký kinh doanh xem xét cấp lại trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.

3. Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

GCN ĐKDN bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

- Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp;

- Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;

- Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; đối với thành viên hợp danh của công ty hợp danh; đối với chủ doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân. Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;

- Vốn điều lệ đối với công ty, vốn đầu tư đối với doanh nghiệp tư nhân.

Lưu ý: Khi thành lập doanh nghiệp kể từ ngày 04/01/2021 thì mã số này đồng thời là mã số thuế và mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp. (quy định mới)

4. Đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Khi có sự thay đổi những nội dung trên GCN ĐKDN (tự doanh nghiệp có nhu cầu thay đổi hoặc do quyết định của Tòa án, Trọng tài thương mại) thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi, doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký thay đổi nội dung GCN ĐKDN đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Những thay đổi này gồm có:

- Thay đổi tên công ty;

- Thay đổi địa chỉ trụ sở công ty;

- Thay đổi người đại diện theo pháp luật;

- Thay đổi vốn điều lệ;

- Thay đổi thành viên công ty (Công ty TNHH, Công ty Hợp danh);

- Thay đổi tỷ lệ vốn góp của các thành viên (Công ty TNHH, Công ty Hợp danh);

- Thay đổi chủ sở hữu (công ty TNHH MTV, Doanh nghiệp tư nhân);

Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cấp GCN ĐKDN cho doanh nghiệp.

Những thay đổi khác không có trên nội dung của GCN ĐKDN như (Thay đổi bổ sung ngành, nghề đăng ký doanh nghiệp; Thay đổi thông tin đăng ký thuế, ….) thì doanh nghiệp phải thực hiện thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh theo quy định. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

5. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp          

Doanh nghiệp bị thu hồi GCN ĐKDN trong trường hợp sau đây:

- Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo;

- Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 thành lập;

- Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế;

- Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 216 Luật Doanh nghiệp 2020 đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản;

- Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật.

Trình tự, thủ tục thu hồi GCN ĐKDN thực hiện theo quy định tại Điều 75 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

Theo nguồn Pháp lý khởi nghiệp

Bài viết tham khảo: