BIỂU MẪU TÀI LIỆU

Các vấn đề pháp lý cần lưu ý khi tách doanh nghiệp

Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển năng động như hiện nay, các hoạt động tổ chức lại doanh nghiệp như chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình diễn ra khá phổ biến và đa dạng. Vậy, đối với hoạt động tách doanh nghiệp, khi thực hiện cần lưu ý những vấn đề nào để loại trừ rủi ro về pháp lý? Bài viết sau đây sẽ làm rõ vấn đề trên:

Hậu đại dịch covid19.jpg

1. Tách doanh nghiệp là gì?

Tách doanh nghiệp là một hình thức tổ chức lại doanh nghiệp. Theo đó, một doanh nghiệp (doanh nghiệp bị tách) có thể sử dụng một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ hiện có để tách thành một hay nhiều doanh nghiệp mới (doanh nghiệp được tách) nhưng không chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị tách.

2. Loại hình doanh nghiệp nào có thể tách doanh nghiệp?

Theo Khoản 1 Điều 193 Luật Doanh nghiệp 2014, không phải loại hình doanh nghiệp nào cũng được phép thực hiện hoạt động tách doanh nghiệp. Theo đó, chỉ có công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn được thực hiện hoạt động này. Các loại hình doanh nghiệp khác như: doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh không thể tách doanh nghiệp.

Có thể lí giải lí do doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh không được tách doanh nghiệp xuất phát từ tính chất chịu trách nhiệm với tài sản doanh nghiệp trong 2 loại hình doanh nghiệp này. Cụ thể, đối với doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu doanh nghiệp tự làm chủ và tự chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình. Tài sản của doanh nghiệp tư nhân và tài sản của chủ sở hữu không tách bạch, nói cách khác tài sản của doanh nghiệp tư nhân thực chất là tài sản của chủ sở hữu. Vì thế, ngoài việc chuyển đổi thành loại hình doanh nghiệp khác thì doanh nghiệp tư nhân không có đủ điều kiện để thực hiện các hoạt động tổ chức lại như chia, tách, sáp nhập.

Còn đối với công ty hợp danh, các thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn đối với tài sản công ty bằng toàn bộ tài sản của mình. Nếu tách công ty, giới hạn về trách nhiệm của thành viên hợp danh sẽ bị thay đổi bản chất, không còn là đặc trưng của công ty hợp danh với chế độ trách nhiệm vô hạn của thành viên hợp danh nữa. Do vậy, không thể thực hiện việc tách công ty hợp danh.

3. Các hình thức tách doanh nghiệp

Khoản 2 Điều 193 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định các hình thức tách doanh nghiệp được phép thực hiện bao gồm:

- Chuyển một phần phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần cho các doanh nghiệp mới theo tỷ lệ sở hữu trong doanh nghiệp bị tách và tương ứng giá trị tài sản được chuyển cho doanh nghiệp mới;

- Chuyển toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp của họ sang cho các doanh nghiệp mới.

- Kết hợp cả hai trường hợp nêu trên.

4. Số lượng và loại hình các doanh nghiệp được tách

- Pháp luật hiện hành không giới hạn tối đa số lượng doanh nghiệp được tách. Theo đó, doanh nghiệp bị tách có thể cân nhắc tùy vào chiến lược phát triển kinh doanh và khả năng, nhu cầu của mình để quyết định số lượng doanh nghiệp được tách cho phù hợp.

- Về loại hình, doanh nghiệp được tách phải là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn và có thể khác loại hình với doanh nghiệp bị tách. 

Ví dụ:

Công ty cổ phần X có thể tách thành công ty cổ phần X, công ty trách nhiệm hữu hạn Y và công ty trách nhiệm hữu hạn Z.

5. Nghĩa vụ của doanh nghiệp khi thực hiện việc tách doanh nghiệp

- Gửi Nghị quyết tách doanh nghiệp cho tất cả chủ nợ và người lao động về việc tách doanh nghiệp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua nghị quyết tách doanh nghiệp của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần hoặc Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

- Doanh nghiệp bị tách và doanh nghiệp được tách phải cùng nhau liên đới chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ, hợp đồng lao động, nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp, trừ trường hợp doanh nghiệp bị tách, doanh nghiệp mới thành lập, chủ nợ, khách hàng và người lao động của doanh nghiệp bị tách có thỏa thuận khác.

- Sau khi tách, doanh nghiệp bị tách chắc chắn giảm vốn điều lệ. Vì vậy, doanh nghiệp bị tách phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ. Đồng thời, thay đổi số lượng cổ phần của doanh nghiệp đối với công ty cổ phần; số lượng thành viên tương ứng với phần vốn góp và số lượng thành viên giảm xuống đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

- Đăng ký thành lập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp mới hình thành sau tách doanh nghiệp. Doanh nghiệp được tách thành lập theo loại hình doanh nghiệp nào thì thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp theo loại hình đó.

6. Thủ tục tách doanh nghiệp

7. Vấn đề về thuế khi tách doanh nghiệp

- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 42 Thông tư 156/2013/TT-BTC, trước khi tách doanh nghiệp, doanh nghiệp bị tách phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của mình. Nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi tách doanh nghiệp thì doanh nghiệp bị tách và doanh nghiệp mới được tách sẽ cùng có trách nhiệm nộp phần thuế mà doanh nghiệp bị tách chưa nộp.

- Bên cạnh đó, doanh nghiệp bị tách nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế sẽ được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào nếu có số thuế giá trị gia tăng nộp thừa hoặc số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết theo quy định tại Khoản 3.5 Điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTC hướng dẫn về các trường hợp hoàn thuế GTGT.

8. Xử lý đối với người lao động khi tách doanh nghiệp

Khi thực hiện tách doanh nghiệp, người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm tiếp tục sử dụng hết số lao động hiện có và tiến hành việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động. Nếu không sử dụng hết thì phải xây dựng phương án sử dụng lao động cho phù hợp theo quy định tại Điều 46 Bộ Luật lao động 2012. Nếu phải cho người lao động thôi việc thì doanh nghiệp phải trả cho người lao động trợ cấp mất việc làm để quyền lợi của người lao động vẫn được đảm bảo khi tách doanh nghiệp.

Theo nguồn TVPL


Bài viết tham khảo:

    >> Khai thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn