BIỂU MẪU TÀI LIỆU
Hướng dẫn lập thư tra soát online khi sai sót thông tin trên chứng từ nộp thuế
Trong quá trình nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước, doanh nghiệp không tránh khỏi việc cung cấp không chính xác thông tin trên chứng từ nộp thuế. Khi đó, doanh nghiệp phải nhanh chóng khắc phục sai sót, đồng thời phải lập thư tra soát để xử lý trong trường hợp đã được cơ quan thuế hạch toán và thông báo.
1. Khi nào phải thực hiện tra soát thông tin trên chứng từ nộp thuế?
Trường hợp người nộp thuế phát hiện khai không chính xác các thông tin trên chứng từ nộp thuế liên quan đến khoản nộp ngân sách nhà nước đã được cơ quan thuế hạch toán và thông báo thì cần phải thực hiện tra soát.
Những sai sót liên quan đến khoản nộp ngân sách nhà nước có thể là: chọn nhầm cơ quan thu, chọn nhầm mã chương; chọn nhầm mã tiểu mục; sai số tiền thuế phải nộp…
2. Nguyên tắc xử lý khi phát hiện sai sót thông tin trên chứng từ nộp thuế
- Sai sót phát sinh hoặc được phát hiện tại đơn vị nào; thì đơn vị đó phải chủ động xác định nguyên nhân sai sót, khắc phục hậu quả; đồng thời gửi văn bản tra soát hoặc thông báo đến các đơn vị liên quan để phối hợp, xử lý theo quy định.
- Việc xử lý sai sót phải được thực hiện ngay trong ngày phát hiện sai sót; trường hợp đã hết thời gian Điều chỉnh trong ngày; thì chậm nhất phải xử lý trong ngày làm việc tiếp theo ngày phát hiện sai sót.
- Các Khoản tiền chuyển thừa, chuyển thiếu được xử lý theo quy định về xử lý sai sót trong thanh toán của ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.
- Trường hợp phát sinh sai sót thông tin trong hạch toán thu nộp ngân sách nhà nước; ngân hàng/ cơ quan kho bạc nhà nước không được hoàn lại tiền cho người nộp thuế. Ngân hàng/ cơ quan kho bạc nhà nước có trách nhiệm thực hiện tra soát; hoàn thiện thông tin hạch toán thu ngân sách nhà nước theo quy định xử lý sai sót trong thanh toán; đảm bảo không làm ảnh hưởng đến việc ghi nhận các Khoản nộp ngân sách cho người nộp thuế.
- Trường hợp người nộp thuế phát hiện khai không chính xác các thông tin trên chứng từ nộp thuế; người nộp thuế phối hợp với ngân hàng/ cơ quan kho bạc nhà nước phục vụ người nộp thuế; để xử lý sai sót trong việc nộp tiền vào ngân sách.
- Trường hợp người nộp thuế thực hiện trùng giao dịch nộp thuế điện tử từ 02 (hai) lần trở lên cho 01 (một) Khoản nộp trong một ngày thì người nộp thuế liên hệ với ngân hàng/ cơ quan kho bạc nhà nước phục vụ người nộp thuế để đề nghị Điều chỉnh lại còn một lần nộp thuế. Trường hợp số thuế của giao dịch trùng đã được hạch toán nộp vào ngân sách nhà nước, người nộp thuế được lựa chọn để số tiền đó nộp cho các Khoản nghĩa vụ còn phải nộp hoặc đề nghị hoàn theo quy định của pháp luật quản lý thuế.
3. Quy trình xử lý sai sót, thực hiện tra soát của người nộp thuế
Khi phát hiện sai sót liên quan đến Khoản nộp ngân sách nhà nước đã được cơ quan thuế hạch toán và thông báo, người nộp thuế lập hồ sơ thực hiện tra soát gửi đến cơ quan thuế. Hồ sơ bao gồm:
- Thư tra soát mẫu số C1-11/NS ban hành kèm theo Thông tư 84/2016/TT-BTC.
- Chứng từ nộp thuế hoặc thông tin liên quan đến nội dung đề nghị Điều chỉnh sai sót.
4. Hướng dẫn lập thư tra soát thuế Online
Bước 1: Đăng nhập vào trang thuedientu.gdt.gov.vn bằng tài khoản MST-QL.
Chọn phần Nộp thuế, chọn Lập thư tra soát.
Bước 2: Điền các thông tin vào thư tra soát
Lập xong, chọn Hoàn thành.
Bước 3: Kiểm tra và ký nộp
Kiểm tra lại toàn bộ các thông tin đã điền. Khi các thông tin đã đúng, cắm chữ ký số sau đó ấn Ký và nộp, nhập mã PIN để ký điện tử.
Bước 4: Kiểm tra kết quả
Sau 1 đến 3 ngày làm việc, đăng nhập vào trang thuedientu.gdt.gov.vn để kiểm tra kết quả tra soát của cơ quan thuế.
Theo nguồn TVPL
Bài viết liên quan:
>> 06 lưu ý về việc gia hạn nộp thuế TNDN, thuế GTGT
>> Những điều cần biết khi xử lý vi phạm pháp luật về thuế đối với người nộp thuế