QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP
Yếu tố chính của mô hình quản trị sản xuất
Các yếu tố chính của mô hình quản trị sản xuất của doanh nghiệp
Mô hình quản trị sản xuất của doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng sản phẩm ra bên ngoài thị trường. Đồng thời xử lý linh hoạt nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là lợi nhuận kinh doanh tối đa và mang lại sự hài lòng cho khách hàng.
Trong bài viết này, Lạc Việt sẽ giới thiệu đến các bạn về khái niệm quản trị sản xuất và các yếu tố của quy trình này.
I. Quản trị sản xuất là gì?
Quản trị sản xuất (Production Management) là quản lý tất cả các hoạt động từ xây dựng hệ thống sản xuất cho đến quá trình xử lý nguyên vật liệu để tạo nên sản phẩm, dịch vụ. Mục tiêu lớn nhất và cuối cùng của việc quản trị sản xuất là đảm bảo sản phẩm được sản xuất ra, thu được nhiều lợi nhuận và phát triển, mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp.
II. Mục tiêu của xây dựng quy trình quản trị sản xuất
Quản trị sản xuất có mục tiêu chung là đảm bảo cung cấp đầu ra cho doanh nghiệp dựa trên việc khai thác các nguồn lực của doanh nghiệp hiệu quả và tạo ra các sản phẩm mang lại sự hài lòng cho khách hàng. Cụ thể, mục tiêu của quy trình quản trị sản xuất:
- Đảm bảo cung cấp sản phẩm:
Đảm bảo hoạt động sản xuất được diễn ra suôn sẻ, theo đúng kế hoặc để cung cấp đầy đủ sản phẩm cho khách hàng theo đúng chủng loại, số lượng, chất lượng và thời gian phù hợp.
- Tạo ra lợi thế cạnh tranh:
Quy trình quản lý đồng thời cũng cần tạo ra ưu thế vượt trội cho doanh nghiệp trước các đối thủ cạnh tranh như ưu thế về giá, về sự khác biệt về sản phẩm, chất lượng, sự đa dạng và tốc độ cung ứng sản phẩm.
III. Các yếu tố chính của mô hình quản trị sản xuất của doanh nghiệp
Quy trình quản lý sản xuất sẽ bao gồm nhiều khâu, nhiều bước khác nhau. Nó bắt đầu từ việc chuẩn bị cho việc sản xuất sản phẩm đến khi thực hiện và kiểm soát quá trình sản xuất hàng hóa.
Dự báo nhu cầu sản xuất:
Dự báo nhu cầu sản xuất là một trong những bước quan trọng đầu tiên của quy trình quản trị sản xuất. Điều này sẽ đáp ứng nhu cầu của thị trường và mọi hoạt động liên quan trong quy trình sản xuất đều phải căn cứ và kết quả dự báo nhu cầu sản xuất.
Để đưa ra những dự báo nhu cầu sản xuất chính xác, doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường và tìm ra được sản phẩm cần được sản xuất? Số lượng bao nhiêu? Khi nào cần sản xuất? Cần chuẩn bị hệ thống sản xuất như thế nào? Vì vậy, kết quả nghiên cứu thị trường đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc quyết định xem liệu có nên sản xuất sản phẩm hay không.
Thiết kế sản phẩm:
Thiết kế quy trình công nghệ là việc xác định các yếu tố đầu vào như máy móc, thiết bị, trình tự thực hiện và yêu cầu kỹ thuật.
Mỗi loại sản phẩm đòi hỏi những phương pháp và quy trình công nghệ sản xuất tương ứng. Sản phẩm doanh nghiệp thiết kế cần phải nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường và phù hợp với khả năng, điều kiện sản xuất của doanh nghiệp.
Hoạt động nghiên cứu thiết kế sản phẩm và quy trình công nghệ được thực hiện bởi bộ phận nghiên cứu thiết kế sản phẩm và công nghệ, có sự tham gia phối hợp của cán bộ quản lý, chuyên viên trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Quản lý năng lực sản xuất:
Hoạt động này nhằm xác định quy mô công suất dây chuyền của doanh nghiệp. Nó có ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.
Việc xác định đúng năng lực sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sản xuất sau này. Quy mô sản xuất cũng tác động trực tiếp đến loại hình sản xuất, cơ cấu tổ chức quản lý và vận hành của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần xác định đúng năng lực sản xuất của doanh nghiệp mình, vừa đáp ứng được nhu cầu hiện tại, vừa nắm bắt được những cơ hội kinh doanh mới trên thị trường.
Định vị doanh nghiệp:
Định vị doanh nghiệp là việc lựa chọn vùng và địa điểm bố trí, nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu chiến lược cho doanh nghiệp. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa chiến lược trong hoạt động quản lý sản xuất và phát triển sản xuất.
Đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong tương lai. Để xác định được vị trí của doanh nghiệp, bạn cần phân tích các nhân tố của môi trường xung quanh có ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp sau này. Bạn sẽ phải vận dụng phương pháp định tính và định lượng. Trong đó định tính để xác định các yếu tố về mặt xã hội, còn định lượng nhằm xác định chi phí sản xuất và tiêu thụ, đặc biệt là chi phí vận chuyển.
Bố trí sản xuất:
Bố trí sản xuất là xác định phương án bố trí mặt bằng sản xuất, dây chuyền công nghệ, máy móc hợp lý nhằm quản lý tốt chất lượng sản phẩm và mang lại hiệu quả.
Phương pháp trực quan kinh nghiệm là một trong những phương án bố trí sản xuất được nhiều doanh nghiệp hiện nay áp dụng rộng rãi nhất. Kết hợp với đó là các chương trình phần mềm máy tính chuyên biệt giúp doanh nghiệp xác định và lựa chọn phương án bố trí tối ưu.
Lên kế hoạch nguồn lực:
Lập kế hoạch nguồn lực là hoạt động dựa vào việc xác định các kế hoạch về nhu cầu quản lý sản xuất để lên kế hoạch về nguồn lực, bố trí lao động, máy móc thiết bị và nguyên vật liệu. Quy trình này giúp cho quá trình sản xuất diễn ra liên tục với chi phí thấp nhất.
Điều độ sản xuất:
Điều độ sản xuất là toàn bộ các hoạt động xây dựng lịch trình sản xuất, điều phối công việc cho từng người, nhóm người, thiết bị và sắp xếp thứ tự công việc nhằm đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ sản xuất cho doanh nghiệp.
Kiểm soát hệ thống sản xuất:
2 nội dung quan trọng nhất trong kiểm soát hệ thống sản xuất là kiểm tra kiểm soát chất lượng và quản trị hàng tồn kho. Vì sao lại vậy? Bởi hàng tồn kho nếu sự trữ không hợp lý sẽ dẫn đến tồn đọng vốn, gây ách tắc cho quá trình sản xuất. Còn quản lý chất lượng sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được mong đợi của khách hàng.
Trên đây là các yếu tố chính của mô hình quản trị sản xuất của doanh nghiệp. Để đảm quy trình này được diễn ra trơn tru, suôn sẻ, doanh nghiệp cần đánh giá các yếu tố tác động từ bên ngoài nhằm lên kế hoạch, chuẩn bị cũng như phân phối nhân lực và kiểm soát chặt chẽ và chính xác nhất.
Nguồn: 94now
Có thể bạn quan tâm
- Quy trình tạm ứng - thanh toán tạm ứng trong doanh nghiệp
- Những công việc doanh nghiệp phải làm cuối năm 2020
- Thủ tục thông báo thay đổi đăng ký thuế cho doanh nghiệp 2021
- Thuế môn bài 2021: Mức nộp, hạn nộp và trường hợp được miễn
- 6 xu hướng quản trị sản xuất các nền công nghiệp hàng đầu thế giới đang hướng đến